KHI NÀO PHÍ TRƯỚC BẠ ÔTÔ GIẢM 50%?

Cho đến ngày chính thức áp dụng mức giảm trên, người tiêu dùng có thể tạm dừng quyết định mua xe, khiến thị trường ôtô có thể tạm đóng băng.

Tại Cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong dịch Covid-19, Thủ tướng đồng ý chủ trương giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô mới, lắp ráp và sản xuất trong nước đến hết 2020 để kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên chưa rõ ngày áp dụng.

Đầu tiên phải nắm rõ được tên gọi đầy đủ của trước bạ là lệ phí trước bạ. Không phải thuế. Cũng không phải phí. Việt Nam có luật riêng về phí và lệ phí (trích Luật số 97/2015/QH13).

Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công đó.

Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước.

Lệ phí trước bạ là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân có tài sản thuộc đối tượng chịu lệ phí trước bạ phải nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp được miễn. Hiểu một cách đơn giản, lệ phí trước bạ là đống tiền lệ phí quản lý.

Hiện ở Việt Nam có tám nhóm mặt hàng phải chịu lệ phí trước bạ, trong đó có những mặt hàng phải nộp lệ phí trước bạ rất cao, như ôtô có mức chung tới 10% (Hà Nội là 12%). Chưa kể người đăng ký sở hữu ôtô còn phải nộp một khoản lệ phí cấp biển. Về bản chất đây mới là đúng là lệ phí đăng ký quyền sở hữu. Điều đó dẫn đến câu hỏi rằng lệ phí trước bạ như vậy có phải còn có tác dụng của một dạng thuế tài sản, với mục tiêu phân phối lại thu nhập?

Quay trở lại với vấn đề về lệ phí trước bạ. Theo Điều 17 Luật Phí và lệ phí 2015 “Giữa hai kỳ họp Quốc hội (QH), Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các khoản phí, lệ phí theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Phần này rất quan trọng. Vì nếu phải chờ QH duyệt mức giảm về lệ phí trước bạ, Chính phủ sẽ phải trình Uỷ ban thường vụ QH ở giữa hai kỳ họp QH. Mà kỳ thứ 9 khoá XIV này mới khai mạc hôm 20/5 và sẽ kết thúc vào 18/6. Có nghĩa sớm cũng phải tháng 7 mức giảm này mới đi vào thực tế.

Tuy nhiên, vì ngay điều 18 tiếp đó cho phép CP “Quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền”. Theo Phụ lục danh mục Phí, Lệ phí đính kèm Luật 2015, lệ phí trước bạ thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Nghĩa là, thu tăng hay giảm bao nhiêu Chính phủ quyết định.

Lệ phí trước bạ ôtô là phí nộp vào ngân sách Nhà nước khi chủ sở hữu đăng ký quyền sở hữu ôtô. Theo Điều 9 Luật 2015 về Nguyên tắc xác định mức thu lệ phí thì “mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân”.

Như vậy hình như chưa có đủ căn cứ theo luật để giảm 50% trước bạ chỉ cho xe lắp ráp trong nước? Còn mỗi cách là trình qua QH rồi “hối thúc” sửa nhanh. Nhưng sửa ở đây không phải là sửa mức thu phí 10 hay 5%, mà là sửa cái điều kiện căn bản để tính lệ phí. Mà sửa điều này lại không đơn giản tí nào.

Còn không sửa, thì đã giảm là phải giảm đều, cả xe lắp ráp lẫn nhập khẩu. Mercedes C-Class được giảm thì BMW series 3 cũng được giảm. VinFast Lux SA được giảm thì BMW X5 cũng được giảm.

Nhưng vẫn chưa khó bằng các doanh nghiệp, cả lắp ráp lẫn nhập khẩu. Hạ giá, khuyến mại các kiểu rồi nhưng bà con thì giờ lại ngồi chờ, khoan xuống tiền vì còn đang “hóng” trước bạ giảm rồi mới mua xe. Khổ lây cả những người buôn xe cũ.

Theo độc giả Thành Lê (Báo điện tử VnExpress.net)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Contact Me on Zalo
0931616988
Bu lông inox